-Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh hàng loạt vấn đề cấp bách mà ông cùng Bộ sẽ hành động trước mắt.
"Đã làm bộ trưởng, những gì đang gây nguy hiểm, đe dọa đến đời sống người dân…đó là việc cần ưu tiên xử lý trước", ông nói.
Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu
Bộ trưởng Trần Hồng Hà không ngần ngại khẳng định ngay ưu tiên hàng đầu của ông là tập trung xử lý những vấn đề cấp bách liên quan hạn hán ở Tây Nguyên, khô hạn ở ĐBSCL, khủng hoảng tài nguyên nước…
Tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Một trong những vấn đề tân Bộ trưởng trăn trở, đó là nhiều quốc gia cùng khai thác, sử dụng nguồn nước trên lưu vực sông Mekong trong khi chưa có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm chia sẻ lợi ích trong việc sử dụng nguồn nước chung.
“Trong bối cảnh đó, cần cơ cấu, quy hoạch phát triển theo phân vùng ở ĐBSCL, có thể phân định vùng phát triển kinh tế nước mặn, vùng phát triển kinh tế nước lợ và vùng kinh tế nước ngọt. Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng thông minh, hiện đại và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước ngọt”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu.
Ông cho biết, hiện Chính phủ đang có đề án hợp tác với Chính phủ Hà Lan nghiên cứu xây dựng đề án phát triển ĐBSCL có tính toán đến phương án phân vùng; xây dựng đê, kè… để phát triển kinh tế vùng nước mặn.
Theo đó, sẽ thay đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nước ngọt.
Trong tháng 4 năm nay, đề án tổng thể do World Bank hỗ trợ nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi để tập trung rà soát, bổ sung những số liệu có liên quan đến tài nguyên môi trường (thực hiện ở 9/13 tỉnh của ĐBSCL) trong đó có tài nguyên nước sẽ được hoàn tất.
Đồng thời, Bộ TN&MT sẽ thiết lập hệ thống mạng lưới quan trắc trong toàn bộ vùng để có thể chủ động trong điều tiết, điều hành ngăn ngừa những thảm họa do nước mang lại.
Xử lý tồn đọng về sổ đỏ
Ở lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay còn nhiều vấn đề phải xúc tiến xử lý sớm.
“Đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nhưng đền bù không thỏa đáng… dẫn tới khiếu kiện kéo dài đang tạo ra những vấn đề xã hội lớn. Việc đầu tư, kinh doanh đất đai mang lại lợi nhuận, ngoài những vấn đề về thủ tục hành chính cũng cần tính minh bạch, công khai.
Trong công tác cấp quyền sử dụng đất, cả nước hiện còn 0,5 - 0,6% tồn đọng, nhưng đấy không phải con số nhỏ, mà là rất lớn, cần sớm hoàn thiện”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu vài ví dụ.
Tân Bộ trưởng TN&MT cũng nhấn mạnh cái giá của tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm đúng mức đến môi trường.
“Cần sớm áp dụng nguyên tắc môi trường: người sử dụng thì phải phải trả tiền xử lý và cần nhận thức, đầu tư cho môi trường cũng là một ngành kinh tế mang lại lợi nhuận”, ông nêu quan điểm.
Bộ trưởng dẫn ngay ví dụ, một dự án trồng rừng sẽ là đầu tư kinh doanh môi trường khi khai thác dưới góc độ du lịch sinh thái, chứ không phải trồng rừng sản xuất, khai thác rừng mới là kinh tế.
Kiên Trung
from VietNamNet - http://ift.tt/1qjPzbR http://ift.tt/16WBaVs
via IFTTT
0 comments:
Post a Comment