Sẽ chặn được triệt để tin nhắn tiếp thị trái phép

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho rằng nếu các DN phối hợp với cơ quan quản lý xử lý mạnh tay đối với số thuê bao mời liên hệ mua dịch vụ, sản phẩm thì sẽ xử lý triệt để tin nhắn rác.

Thời gian qua, tuy cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực, song tình trạng thuê bao di động nhận được tin nhắn rác có chứa nội dung quảng cáo (thường gọi là spam SMS), hay cuộc gọi tiếp thị vẫn gây nhức nhối.

Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, đơn vị đang có những biện pháp xử lý tình trạng này hiệu quả.

Mời theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Kim Yến:Thưa bà, đề xuất của Sở TT&TT Hà Nội về việc tạm khóa hoặc chặn các số điện thoại thuê bao mời liên hệ bên trong tin nhắn rác được dựa trên những cơ sở nào?

Bà Phan Lan Tú: Việc chúng tôi đề xuất chặn số điện thoại mời liên hệ bên trong tin nhắn rác được dựa trên hai cơ sở. Cơ sở thứ nhất chính là thực tiễn. Trước đây chúng tôi đã cố gắng xử lý số điện thoại gửi tin nhắn rác hoặc gọi đến quảng cáo nhưng không hiệu quả. Chúng tôi đã xử lý đến hơn 10.000 số điện thoại quảng cáo rao vặt (QCRV) hay là các số tin nhắn rác, nhưng đó chính là SIM rác, người ta dùng xong thì vứt đi. Chỉ có số điện thoại để liên hệ bên trong nội dung tin nhắn quảng cáo mới là số SIM đẹp, số gốc. 

Thứ hai nữa là cơ sở pháp lý cũng đầy đủ. Luật viễn thông cũng cho phép khi Nhà nước yêu cầu, các doanh nghiệp viễn thông phải ngừng cung cấp dịch vụ cho những số thuê bao vi phạm. Trong Nghị định 174 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông cũng có yêu cầu này. Do đó, căn cứ pháp lý và thực tiễn đều đầy đủ cả.

Nhà báo Kim Yến: Vậy thưa bà, khi thanh tra sở liên hệ với các số điện thoại có trong QCRV, tin nhắn rác có gặp phải khó khăn gì trong việc xử lý? Sự hợp tác của các chủ thuê bao đó với cơ quan quản lý trong thời gian qua ra sao?

Bà Phan Lan Tú: Thực tế là việc đề xuất xử lý số điện thoại liên hệ trong tin nhắn gửi đến chúng tôi cũng chỉ mới triển khai gần đây. Trước nay chúng tôi cũng chỉ mới xử lý các số điện thoại gửi tin nhắn đến, còn giờ quy trình mới bổ sung thêm việc xử lý các số điện thoại liên hệ bên trong tin nhắn. Chính vì thế, khi triển khai, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn vì các chủ thuê bao không hợp tác. 

Chúng tôi bắt đầu triển khai quy trình này từ đầu năm 2016, nhưng mời 16 cuộc thì chỉ có 2 cuộc chủ thuê bao chịu đến, số còn lại không đến. Sau đó, chúng tôi đã phải gửi thông báo đến các doanh nghiệp viễn thông rằng những thuê bao đó có vi phạm và đề nghị doanh nghiệp viễn thông thông báo cho chủ thuê bao đó 2 lần, nếu không chấp hành thì sẽ bị cắt.

Nhà báo Kim Yến: Bà đánh giá như thế nào về tính khả thi của việc chuyển sang chặn/khóa số điện thoại liên hệ bên trong các tin nhắn QCRV, tiếp thị, làm phiền người dùng này?

Bà Phan Lan Tú: Tôi nghĩ việc thực hiện theo biện pháp này rất triệt để, vì khi chúng ta xử lý tận gốc số điện thoại nằm trong tin nhắn gửi đến sẽ xử lý triệt để được tình trạng người dùng phải nhận tin nhắn rác ngoài ý muốn. Tuy vậy, cần phải có sự hợp tác triệt để giữa cơ quan quản lý với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Cơ quan Nhà nước trên cơ sở tiếp nhận ý kiến người dân, trên cơ sở quá trình quản lý của mình phải tổng hợp đầy đủ thông tin, có kiểm tra xem xét, sau đó phải qua một quy trình thanh tra, làm việc, mời các chủ thuê bao đến, yêu cầu họ cam kết không gửi tin nhắn người nhận không mong muốn nữa. Trong trường hợp chủ thuê bao không thực hiện thì các DN viễn thông cũng phải phối hợp chặt chẽ với chúng tôi để xử lý ngay thì tôi tin rằng giải pháp này sẽ hiệu quả.

Nhà báo Kim Yến:Xin cám ơn bà Phan Lan Tú về cuộc trao đổi. Kính chào quý vị và hẹn gặp lại.

VietNamNet



from VietNamNet - http://ift.tt/1NlniHa http://ift.tt/16WBaVs
via IFTTT

0 comments:

Post a Comment